Chưa có bài viết nào trong mục này

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2024

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thông báo Bản tin thị trường lao động quý I năm 2024

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH ĐẮK LẮK QUÝ I NĂM 2024

I. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG – VIỆC LÀM QUÝ I NĂM 2024:

Quý I năm 2024 là thời điểm trùng với dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 và Lễ hội Xuân 2024 nên nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh bước vào thời kỳ cao điểm. Người lao động cũng mong muốn có thêm nhiều việc làm, làm thêm giờ để tăng thu nhập sắm sửa đón Tết. Thị trường lao động tỉnh Đắk Lắk cũng có tín hiệu tốt khi các tỉnh, thành phố lân cận tăng cường tuyển dụng, thu hút số lao động thất nghiệp của tỉnh đến làm việc. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động đã tăng lên (khoảng 1.127.384 người), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm (khoảng 0,99% lực lượng lao động), thu nhập được cải thiện (do tính mùa vụ sau Tết). Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang bước vào thời điểm thu hoạch hồ tiêu, nên nhu cầu sử dụng lao động phổ thông cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã tổ chức khảo sát, thu thập nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, trung tâm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động một cách kịp thời đến người lao động biết để tham gia tìm việc làm.

Kết quả là Trung tâm đã thu thập thông tin tuyển dụng của 383 lượt đơn vị sử dụng lao động (khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 46 lượt (chiếm tỷ trọng 12%); khu vực Công nghiệp và xây dựng: 84 lượt (chiếm tỷ trọng 22%); khu vực Dịch vụ: 253 lượt (chiếm tỷ trọng 66%), với số lượng tuyển là 6.381 người.

Tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và các chế độ chính sách cho 11.033 lượt người, trong đó, tư vấn việc làm là 9.502 lượt. Giới thiệu việc làm cho 1.399 lượt người; số người có việc làm sau khi giới thiệu là 440 người. Cụ thể: Có việc làm trong tỉnh là: 318 người, có việc làm ngoài tỉnh là: 91 người; xuất khẩu lao động là 31 người (Trong đó đi theo chương trình EPS là 25 người).

Tình hình thực hiện giải quyết bảo hiểm thất nghiệp: Trong quý I năm 2024, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.017 người, trong đó, số người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.246 người, chiếm 61,8% trên tổng số người nộp hồ sơ. Số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 33.060.280.843 đồng, số tiền chi hỗ trợ học nghề là 480.000.000 đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã thực hiện tốt công tác nhận hồ sơ, tư vấn đầy đủ chế độ, quyền lợi của người lao động khi đến liên hệ giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

II. TÌNH HÌNH CUNG – CẦU LAO ĐỘNG TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUÝ I NĂM 2024:

1. Tình hình cân đối cung – cầu lao động:

Nhìn chung, trong quý I năm 2024, thị trường lao động tỉnh Đắk Lắk có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động (theo hướng thiếu hụt lao động) ở tất cả các cấp độ kỹ năng, trình độ, nơi làm việc, mức lương bình quân, hình thức làm việc, giới tính và độ tuổi khác nhau. Cụ thể:

a. Cân đối cung – cầu lao động theo cấp độ kỹ năng:

Chia theo cấp độ kỹ năng, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng Lao động giản đơn nhiều nhất, với số lượng tuyển là 3.766 người, nhưng chỉ có 302 người tìm việc có nhu cầu ở cấp độ kỹ năng này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở các cấp độ kỹ năng còn lại. Cụ thể theo biểu đồ sau:

b. Cân đối cung – cầu lao động theo trình độ:

Chia theo trình độ, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng Lao động phổ thông nhiều nhất, với số lượng tuyển là 5.320 người, nhưng chỉ có 473 người tìm việc có nhu cầu ở trình độ này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở các cấp trình độ còn lại. Cụ thể theo biểu đồ sau:

c. Cân đối cung – cầu lao động theo nơi làm việc:

Chia theo nơi làm việc, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng ở địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột nhiều nhất, với số lượng tuyển là 3.352 người, nhưng chỉ có 277 người tìm việc có nhu cầu ở địa bàn này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở địa bàn Ngoài thành phố Buôn Ma Thuột. Cụ thể theo biểu đồ sau:

d. Cân đối cung – cầu lao động theo mức lương bình quân:

Chia theo mức lương bình quân, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng khoảng lương “Từ 7 đến dưới 10 triệu/tháng” nhiều nhất, với số lượng tuyển là 3.891 người, nhưng chỉ có 525 người tìm việc có nhu cầu ở khoảng lương này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở các khoảng lương còn lại. Cụ thể theo biểu đồ sau:

e. Cân đối cung – cầu lao động theo hình thức làm việc:

Chia theo hình thức làm việc, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng hình thức làm việc Toàn thời gian nhiều nhất, với số lượng tuyển là 6.323 người, nhưng chỉ có 762 người tìm việc có nhu cầu ở hình thức làm việc này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở hình thức làm việc Bán thời gian. Cụ thể theo biểu đồ sau:

g. Cân đối cung – cầu lao động theo giới tính:

Chia theo giới tính, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng Nam nhiều nhất, với số lượng tuyển là 3.258 người, nhưng chỉ có 344 người tìm việc có nhu cầu ở giới tính này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở giới tính Nữ. Cụ thể theo biểu đồ sau:

h. Cân đối cung – cầu lao động theo độ tuổi:

Chia theo độ tuổi, người sử dụng lao động đăng ký thông tin tuyển dụng “Dưới 35” nhiều nhất, với số lượng tuyển là 3.741 người, nhưng chỉ có 612 người tìm việc có nhu cầu ở độ tuổi này. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra ở độ tuổi “Từ 35 trở lên”. Cụ thể theo biểu đồ sau:

2. Đánh giá cân đối cung - cầu lao động:

Tuy xảy ra hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động chung, nhưng vẫn có một số điểm sáng đó là độ chênh lệch ở các cấp độ kỹ năng: Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị, Nhân viên dịch vụ và bán hàng, Nhân viên trợ lý văn phòng hay ở trình độ Đại học, hình thức làm việc Bán thời gian ở mức vừa phải nên có thể sớm thu hẹp về mức cân bằng trong thời gian tới.

b. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động (theo hướng thiếu hụt lao động) ở tất cả các cấp độ kỹ năng, trình độ, nơi làm việc, mức lương bình quân, hình thức làm việc, giới tính và độ tuổi khác nhau tạo nên áp lực rất lớn đối với công tác chắp nối cung – cầu lao động trong kỳ.

Nguyên nhân thiếu hụt lao động là do số lao động hoạt động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều; ngoài ra, phần lớn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung ở nhóm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nhưng lượng lao động sẵn có ở nhóm trình độ này chưa nhiều và lượng đào tạo mới chưa theo kịp. Mặt khác, có một số lượng đáng kể lao động hoạt động trong khu vực kinh tế tự do (không đóng BHXH), họ thường tự tạo việc làm chứ không thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để hỗ trợ.

III. TÌNH HÌNH CHẮP NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG:

1. Kết quả chắp nối cung – cầu lao động:

a. Tình hình giới thiệu việc làm:

Trung tâm đã triển khai nhiều hình thức để kết nối cung – cầu lao động như tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên toàn tỉnh, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại các Lễ hội, buổi tư vấn. Tuyên truyền, phổ biến các thông tin về thị trường lao động bằng nhiều hình thức như qua website, zalo, facebook, mã QR,… để người lao động nắm bắt kịp thời thông tin tuyển dụng. Trong quý I năm 2024, trung tâm đã giới thiệu 1.399 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó chia theo trình độ như sau:

- Lao động phổ thông được giới thiệu nhiều nhất, với tỷ lệ 58,5%. Lao động trình độ bằng nghề/công nhân kỹ thuật không bằng được giới thiệu ít nhất, với tỷ lệ 3,2%.

- Lao động trình độ đại học, trung cấp và cao đẳng được giới thiệu với tỷ lệ lần lượt là 21%, 8,8% và 8,4%.

b. Kết quả giới thiệu việc làm:

Trong quý I năm 2024, đã có 440 lao động có việc làm sau giới thiệu, đạt tỷ lệ bình quân là 31,45%. Trong đó:

+ Tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu của lao động trình độ đại học và cao đẳng vượt mức bình quân, lần lượt là 36,1% và 33,9%.

+ Tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu của lao động trình độ bằng nghề/công nhân kỹ thuật không bằng, lao động phổ thông, trung cấp dưới mức bình quân, lần lượt là 31,1%, 30,5% và 24,4%. Cụ thể theo biểu đồ sau:

Tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu của lao động được phân hóa khá rõ rệt. Lao động trình độ đại học, cao đẳng đáp ứng khá tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng nên tỷ lệ đạt sau giới thiệu cao nhất. Ngược lại lao động có trình độ trung cấp cơ bản đáp ứng chưa tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng nên tỷ lệ đạt sau giới thiệu thấp nhất. Lao động phổ thông và lao động trình độ bằng nghề/công nhân kỹ thuật không bằng đáp ứng tương đối tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhìn chung tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu vẫn chưa cao, điều đó đòi hỏi người lao động và trung tâm cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác kết nối cung – cầu lao động.

2. Đánh giá chắp nối cung cầu lao động:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về việc làm trong nước và xuất khẩu lao động được Trung tâm đặc biệt quan tâm và ngày càng được tăng cường đến khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa; Trung tâm đã chủ động phối hợp với các phòng lao động TBXH, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền để người lao động tiếp cận và nắm bắt kịp thời các thông tin chính thống về việc làm, xuất khẩu lao động để tìm được việc làm phù hợp với khả năng và trình độ của mỗi người.

- Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện một cách linh hoạt. Nhiều người lao động khi chưa có vị trí phù hợp với chuyên môn đã được tư vấn chuyển sang các công việc khác phù hợp góp phần giảm bớt tình trạng chênh lệch cung – cầu lao động.

b. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

- Vẫn còn tiếp diễn tình trạng lệch pha cung – cầu lao động. Kỹ năng mềm của người lao động còn yếu nên kết quả chắp nối cung – cầu lao động chưa cao; Thông tin tuyên truyền về xuất khẩu lao động rất nhiều, đặc biệt là từ các công ty ngoài tỉnh gây rối loạn thông tin, làm mất lòng tin của người lao động. Mặt khác, vẫn còn một số người lao động thiếu thông tin nên lựa chọn việc làm không phù hợp.

- Công tác phân tích, dự báo thị trường lao động chưa thật sự hiệu quả, do hệ thống thông tin dữ liệu đầu vào không đầy đủ, không kịp thời; nguồn lực thực hiện còn hạn chế; sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp chưa tương xứng với tầm quan trọng của công tác phân tích, dự báo thị trường lao động.

- Nguồn cung lao động cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Đắk Lắk là tỉnh chủ yếu phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chưa phát triển, các KCN, cụm CN rất ít và nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số, do đó nhu cầu tuyển dụng không đa dạng, phong phú, do vậy rất khó khăn trong công tác chắp nối cung cầu lao động của Trung tâm.

- Số lượng lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm còn ít, đa số là lao động có hạn chế, yếu thế trong thị trường lao động, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

- Sự chủ động của người lao động chưa cao, kỹ năng còn hạn chế, cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

IV. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUÝ II NĂM 2024:

Trong quý I năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đều tăng, những yếu tố trên tạo nên nền tảng để thị trường lao động tỉnh duy trì phát triển trong quý II năm 2024. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ và Chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động cũng tăng một lượng đáng kể; những khó khăn trên sẽ khó cải thiện trong thời gian ngắn nên dự kiến cầu lao động sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý II năm 2024. Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm lao động phổ thông và lao động có trình độ đại học sẽ cao hơn nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các trình độ còn lại. Nhu cầu tìm việc làm theo cấp độ kỹ năng sẽ tập trung cao vào nhóm lao động giản đơn, nhân viên dịch vụ và bán hàng, nhân viên trợ lý văn phòng. Dự báo cân đối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong quý II năm 2024 sẽ thu hẹp lại và tình hình chắp nối cung cầu lao động sẽ được cải thiện hơn.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển thị trường lao động của tỉnh nhà, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp và việc làm trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, tăng số phiên giao dịch việc làm để cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động và người lao động giúp cho người lao động tìm được việc làm phù hợp; tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tư vấn và tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn để duy trì, mở rộng và tạo việc làm trong nước, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hỗ trợ việc làm bền vững./.

TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM ĐẮK LẮK