DOL có 15+ cơ sở tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng

năm hình thành sáng kiến "Vành đai và Con đường"

Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa xưa, trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La tinh, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) do Trung Quốc khởi xướng ra đời từ năm 2013, nhằm củng cố các tuyến thương mại kết nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến là: Kết nối chính sách, Kết nối cơ sở hạ tầng, Kết nối thương mại và đầu tư, Kết nối tài chính - tiền tệ, Kết nối con người.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, nước này đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Với hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XI, sáng kiến "Vành đai và Con đường" đến nay, được coi là một sáng kiến thương mại, một chiến lược kết nối kinh tế khổng lồ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội, nhận được sự ủng hộ của quốc tế.

Với chủ đề "Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung", Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2023. Đến nay, đại diện của hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia diễn đàn, bao gồm lãnh đạo cấp cao các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp… Số lượng khách đăng ký đã vượt quá 4.000 người.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, tổng kết những thành tựu BRI đạt được trong 10 năm qua, trao đổi triển vọng, phương hướng hợp tác trong tương lai. Diễn đàn gồm 03 Phiên cấp cao với nội dung trọng tâm về "Kinh tế số như động lực mới của tăng trưởng", "Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở", "Con đường tơ lụa xanh vì sự hài hoà với thiên nhiên" và 06 diễn đàn khác về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và hợp tác trên biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, sáng kiến cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định cả chủ quan và khách quan. Trung Quốc đã và đang có những điều chỉnh quan trọng nhằm bảo đảm các mục tiêu lâu dài để BRI tiếp tục phát triển trong tương lai.

Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ nhất và thứ hai vào năm 2017 và 2019. Cả 2 lần, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều tham dự.

Từ ngày 14-15/5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường", hiện cả hai nước đang phối hợp hoàn thiện Kế hoạch hợp tác thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ trên.

Ngày 25-27/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp từ khoảng 140 quốc gia, các tổ chức quốc tế, sẽ đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ các thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam, thu hút hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt được những tiến triển tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022).

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã hai lần sang thăm Trung Quốc và dự hội nghị đa phương quan trọng; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc. Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng cũng khôi phục trở lại và dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu thế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 6/2023, hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chuyến công tác Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Đây là dịp để Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022), thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực sâu hơn.

Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Xavier Bettel, hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt từ sau chuyến thăm Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (12/2022) và việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Tài chính xanh trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bettel (tháng 5/2023); nhất trí chỉ đạo Bộ Ngoại giao hai nước tăng cường thúc đẩy triển khai kết quả của các chuyến thăm; xúc tiến hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có và nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Luxembourg hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới, và đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Xavier Bettel ghi nhận tích cực đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; cam kết sẽ phối hợp với Việt Nam triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Ông bày tỏ mong muốn sớm sang thăm lại Việt Nam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành kinh tế và các doanh nghiệp Luxembourg để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Hai bên cũng nhất trí phối hợp trong việc thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và gỡ bỏ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trao đổi giáo dục và du lịch.

* Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha João Gomes Cravinho, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) cũng như với các nước thành viên, trong đó có Bồ Đào Nha. Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha João Gomes Cravinho bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của Bồ Đào Nha.

Hai Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; sớm nối lại cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; tăng cường các biện pháp để khai thác các dư địa hợp tác giữa hai bên; đánh giá cao sự hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ EVFTA; bày tỏ mong muốn EU nói chung và Bồ Đào Nha nói riêng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các dự án kết nối của ASEAN và tiểu vùng Mê Công, chuyển đổi số, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại; đồng thời, mong Bộ Đào Nha thúc đẩy các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

Bộ trưởng João Gomes Cravinho tán thành các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; bày tỏ mong muốn hai nước sớm mở cơ quan đại diện ở hai bên để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Ông cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp chặt chẽ trong việc lên kế hoạch và triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975 - 2025).

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEAN – EU trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, nhất là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chuyển đổi xanh và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

* Bộ trưởng Ngoại giao Síp Constantinos Kombos tại cuộc gặp song phương đã bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam; khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên cơ sở những thế mạnh và nhu cầu phát triển của hai bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao trong năm 2024, đặc biệt là thúc đẩy hoàn tất, tiến tới ký kết một số thoả thuận hợp tác nhân dịp này, để tạo nền tảng cho hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.

Hai Bộ trưởng nhất trí, để hiện thực hóa tiềm năng to lớn của hai nước, hai nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp  tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Bộ trưởng Ngoại giao Síp cũng ghi nhận tích cực đề xuất của Việt Nam về việc sớm  phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); khẳng định sẽ phối hợp tích cực trong vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phát triển nghề cá bền vững.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho quan hệ giữa Cộng hòa Síp với khu vực Đông Nam Á, đồng thời, mong muốn Síp ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hơn nữa với EU. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

* Tại cuộc gặp Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts, hai bên khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược giữa hai nước; đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua.

Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai các thoả thuận mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất; nhất trí tăng cường phối hợp chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao thời gian tới; thúc đẩy nâng tầm quan hệ song phương; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới mà hai bên cùng quan tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Australia tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam; bày tỏ mong muốn Australia tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam vào thị trường Australia, thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư song phương, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, khẳng định Australia sẽ tạo mọi điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trên tất các lĩnh vực.

Hai bên cũng thảo luận nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có hợp tác tiểu vùng Mê Công; hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Úc và OECD; ủng hộ các nước tăng cường hợp tác, đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

* Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Hasan Mahmud, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Ông Hasan Mahmud được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh; chúc mừng Bangladesh vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử. Hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian gần đây, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (9/2023); nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương thời gian tới thông qua các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường phối hợp giữa hai Bộ Ngoại giao nhằm rà soát và đôn đốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bangladesh tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là gạo, máy móc nông nghiệp, nguyên liệu thô, đồ điện tử và các mặt hàng nông thủy sản, vào thị trường Bangladesh.

Ghi nhận tích cực các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Hasan Mahmud cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam, và mong các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào Bangladesh.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, trong đó có việc ủng hộ Bangladesh tăng cường quan hệ với ASEAN.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã mời Bộ trưởng Ngoại giao Hasan Mahmud sớm sang thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp.

* Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Hiệp hội các nước Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) Salman Al Farisi, hai bên bày tỏ hài lòng trước mối quan hệ tốt đẹp và hữu nghị giữa Việt Nam với các thành viên IORA và các đối tác của IORA.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò, vị thế của IORA cũng như những đóng góp của IORA đối với các vấn đề kinh tế và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương; đề nghị Ông Tổng Thư ký giúp Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với IORA và các nước thành viên, nhất là trong việc ứng phó với các thách thức chung, trong đó có nước biển dâng, ứng phó với thiên tai, an ninh biển, đánh bắt cá trái phép.

Tổng Thư ký IORA đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam; nhấn mạnh bản thân Ông và các thành viên IORA đều mong muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực liên quan hợp tác biển.

Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa IORA và ASEAN, triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Ban Thư ký ASEAN với IORA (9/2023). Ông Tổng Thư ký cũng ghi nhận tích cực đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho đại diện của Việt Nam tham dự các hoạt động của IORA, và đánh giá cao việc Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với IORA trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm./.